Quản lý nhà hàng làm những công việc gì ?

Tổng quản lý đóng vai trò khá quan trọng để một nhà hàng kinh doanh thành công. Vị trí công việc này phụ trách điều hành mọi hoạt động sao cho nhà hàng vận hành một cách hiệu quả nhất.

Bản mô tả công việc tổng quản lý nhà hàng

Xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý nhà hàng

Xây dựng quy trình chuẩn về phục vụ, chất lượng món ăn, thức uống,.. cho nhà hàng.
Xây dựng các quy trình chuẩn hướng dẫn nghiệp vụ cho tất cả các vị trí công việc trong nhà hàng.
Tổ chức cho nhân viên thực hiện theo đúng quy trình chuẩn đã được duyệt. Thực hiện việc thay đổi, cải tiến quy trình khi cần thiết.
Giám sát việc thực hiện quy trình của nhân viên.

Quản lý vấn đềhành chính, nhân sự

Lập kế hoạch về nhu cầu nhân sự của nhà hàng và trình Giám đốc nhà hàng duyệt.
Xây dựng một đội ngũ nhân sự đáp ứng được các yêu cầu công việc theo định hướng đã xác định.
Tổ chức thực hiện công tác đào tạo nhân sự, phân công công việc và đánh giá chất lượng nhân sự.
Triển khai và giám sát việc thực hiện các chính sách nhân sự, quy định của nhà hàng.
Xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng kế cận cho bộ khung ban quản lý của nhà hàng.

Quản lý vấn đề tài chính

Tổng quản lý với thẩm quyền được phân công sẽ đại diện nhà hàng thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác liên quan.
Theo dõi các báo cáo thu chi hàng ngày.
Xây dựng kế hoạch để thực hiện các chỉ tiêu về doanh số, lợi nhuận được giao.
Làm các báo cáo thống kê tài chính.

Quản lý kinh doanh, tiếp thị

Theo dõi việc sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu của nhà hàng và thực hiện các thay đổi cho phù hợp.
Trong thẩm quyền được phân công, tổng quản lý là người đại diện nhà hàng xây dựng mối quan hệ tốt với các tổ chức, cơ quan nhà nước… có liên quan đến hoạt động của nhà hàng.
Phối hợp với các phòng ban liên quan xây dựng kế hoạch Marketing cho nhà hàng và tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt.
Đại diện nhà hàng ký kết hợp đồng với các khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà hàng và triển khai việc thực hiện nội dung hợp đồng.
Phối hợp các bộ phận liên quan xây dựng hệ thống đánh giá khách hàng và tổ chức thực hiện.
Chủ động tìm kiếm nguồn thực khách cho nhà hàng, xây dựng mối quan hệ tốt với các khách VIP, khách thân thiết.
Trực tiếp giải quyết các khiếu nại của khách hàng khi quản lý nhà hàng vắng mặt.

Quản lý tài sản, hàng hóa của nhà hàng

Theo dõi việc mua hàng, mức sử dụng, định mức tồn kho tối thiểu các loại hàng hóa của nhà hàng và có những điều chỉnh cho phù hợp.
Theo dõi việc sử dụng, sữa chữa, bảo hành, bảo dưỡng định kỳ các loại tài sản của nhà hàng.
Chịu trách nhiệm đổi mới các tài sản, trang thiết bị cho các bộ phận trong nhà hàng khi cần thiết.

Điều hành hoạt động kinh doanh

Tổ chức họp định kỳ, đột xuất để triển khai hoạt động, đánh giá hiệu quả kinh doanh của nhà hàng.
Xây dựng kế hoạch hoạt động theo tuần, tháng, quý, năm cho nhà hàng.
Giải quyết các công việc phát sinh thuộc thẩm quyền.
Làm các báo cáo gửi cấp trên theo quy định.

Bạn có biết mức lương vị trí quản lý nhà hàng hiện nay là bao nhiêu?

Không giống như bộ phận phòng khách, quản lý nhà hàng có những đặc thù khác như quản lý nhà hàng trong khách sạn, resort hay quản lý nhà hàng độc lập. Với một nhà hàng độc lập, giám đốc nhà hàng ở vai trò như một tổng quản lý, chịu trách nhiệm tổng thể hoạt động của nhà hàng, bao gồm cả nhân sự, kế toán, thu mua… Tùy thuộc vào quy mô nhà hàng, vị trí quản lý nhà hàng này có mức lương dao động từ 15 – 45 triệu đồng/ tháng.

Trong các khách sạn, resort 4 – 5 sao, giám đốc ẩm thực đóng vai trò như 1 trưởng bộ phận lớn, có thể có nhiều nhà hàng/ outlet và dịch vụ khác nhau do các quản lý nhỏ hơn phụ trách từng nhà hàng/ out let đó.

Người đứng đầu bộ phận ẩm thực của khách sạn là Giám đốc ẩm thực (F&B Director – FBD/ Director of F&B – DFB) – là vị trí sẽ chịu trách nhiệm quản lý tổng thể về toàn bộ dịch vụ ẩm thực, tiệc, hội nghị, hội thảo trong khách sạn, resort. FBD cũng sẽ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp bộ phận bếp của khách sạn. Nếu giám đốc là người Việt Nam thì mức lương sẽ dao động từ 30 – 45 triệu đồng/ tháng. Còn với FBD là người nước ngoài thì mức lương sẽ cao hơn, khoảng từ 2.000 – 7.000 USD/ tháng.

Vị trí quản lý dưới FBD là Quản lý nhà hàng (F&B Manager – FBM) – là vị trí phụ trách giúp việc cho FBD hoặc phụ trách quản lý từng nhà hàng, có thể là nhà hàng Á, Âu, Nhật, tiệc (Banquet Manager). Công việc của 1 FBM sẽ không bao gồm việc quản lý bếp của khách sạn. Với FBM, mức lương hàng tháng của vị trí này khi làm việc trong các khách sạn, resort 4 – 5 sao là vào khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Với vị trí quản lý nhà hàng ở cấp bậc giám sát nhà hàng (F&B Supervisor) hoặc trưởng ca (Captain) thì mức lương sẽ thấp hơn, dao động từ 8 – 15 triệu đồng/ tháng.

Ngoài mức lương cơ bản, các vị trí quản lý nhà hàng trong các khách sạn, resort 4 – 5 sao còn nhận được khoản chia service charge và tiền tip như nhân viên khách sạn nói chung. Mặt bằng hiện nay, mỗi nhân viên khách sạn 5 sao được chia khoảng 3 đến 4 triệu tiền phi dịch vụ hàng tháng.

Để đảm nhận được các vị trí quản lý này cũng như được hưởng những mức lương hấp dẫn kèm theo, các bạn nhân viên ngành nhà hàng sẽ cần một thời gian khá dài để tích lũy kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm quản lý cần thiết. Quá trình thăng tiến này sẽ được rút ngắn hay kéo dài ra phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của các bạn.

Bài viết liên quan